“Năm 2008 là năm thử thách nhất với lãnh đạo các công ty Việt Nam. Am hiểu về kinh tế vĩ mô và vi mô sẽ giúp họ đủ bản lĩnh đối diện thường xuyên với khó khăn” – Ông Trần Kim Thành, chủ tịch tập đoàn Kinh Đô bắt đầu cuộc trò chuyện của những người dẫn đầu hôm 17.7
![]() |
Ông Cổ Gia Thọ, chủ tịch tập đoàn Thiên Long giới thiệu các giải pháp của Thiên Long trước tình hình lạm phát Ảnh: Minh Đức |
40 doanh nghiệp trong CLB Doanh nghiệp dẫn đầu LBC đã gặp nhau tuần qua về chủ đề: “Những giải pháp cụ thể của doanh nghiệp để ứng xử kịp thời diễn biến tình hình lạm phát hiện nay” với phần đề dẫn của ông Thành.
Cân đối và bình ổn chuỗi cung ứng
Tỷ giá, lãi suất ngân hàng xáo trộn liên miên buộc các giám đốc của Kinh Đô họp thường xuyên với nhau. Nhóm cán bộ quản lý cấp trung giờ đây đóng vai trò của ba nhóm đặc nhiệm (task force) phải gặp nhau, trao đổi và ra quyết định rất nhanh. Họ chia nhau giám sát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng (supply chain): khâu cung ứng nguyên liệu đầu vào, quản lý tồn kho (nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm) và quản lý mạng phân phối. Đối với nhóm mua nguyên vật liệu, Kinh Đô điều chỉnh nhanh quan hệ với nhà cung cấp, giảm tồn kho đối với những mặt hàng đang bán không tốt. Đồng thời, đối với những loại nguyên vật liệu quan trọng và có xu hướng tăng giá, Kinh Đô chủ động huy động USD mua trữ để giảm rủi ro. Giảm tồn kho ở cả ba khâu trên (nguyên văn của ông Thành, bóp chặt cả ba khâu), mức tồn kho giảm từ trên 60 tỉ xuống còn 30 tỉ mà hoạt động kinh doanh vẫn bình thường. Nỗ lực này một phần do ứng dụng thử hệ thống quản trị doanh nghiệp (ERP), qua đó, các chi phí ẩn của quá trình kinh doanh trước đây khó nhận biết được bóc tách ra và đưa lên bàn “mổ xẻ”. Để giải quyết vấn đề giá bán, trong tình hình nguyên liệu, bao bì và mọi khâu đều tăng mà giá bán không thể tăng, họ bám sát thông tin, dự báo thị trường và đưa ra chiến lược giá linh động.
Rà bộ máy tìm lỗ hổng
Ông Cổ Gia Thọ, chủ tịch tập đoàn Thiên Long, cho hay Thiên Long đã siết chặt mức vay vốn ngân hàng, điều chỉnh cơ cấu vốn vay từ 112 tỉ xuống còn chưa đến 40 tỉ bằng cách tăng tốc độ lưu chuyển của dòng tiền, tập trung những mặt hàng bán chạy, bán giảm giá những mặt hàng có sức mua thấp, giải quyết dứt điểm những dự án đang đầu tư. Ông phân tích con số cắt giảm được 7 tỉ mới đây: cắt giảm 2 tỉ tiền marketing và PR, giảm chi phí hành chính văn phòng… 1 tỉ, và giảm chi phí từ vay vốn, mua và tồn kho nguyên liệu, bán thành phẩm được 4 tỉ nữa. Ông Thọ cũng nhấn mạnh việc nâng cao khả năng quản lý nội bộ, nêu cao tinh thần đoàn kết và phối hợp chặt chẽ (teamwork) sẽ giúp doanh nghiệp trụ vững qua thời gian khó khăn.
Chia sẻ với kinh nghiệm của Thiên Long, ông Don Lâm, tổng giám đốc quỹ đầu tư Vinacapital, gợi ý: “Doanh nghiệp thử nghĩ đến hình thức phát hành trái phiếu chuyển đổi (ví dụ, với trái phiếu 5 năm, doanh nghiệp sẽ trả lãi trong 3 năm đầu và cho phép chuyển đổi thành cổ phần trong 2 năm sau). Các quỹ đầu tư rất quan tâm đến hình thức đầu tư dài hạn này, nhất là với những doanh nghiệp đã có tên tuổi trên thị trường”.
Ông Lê Văn Trí chia sẻ biện pháp của Casumina: điều chỉnh mức tăng trưởng, kiện toàn nhân sự, thúc đẩy xuất khẩu với các chi tiết cụ thể: tính lại dự trữ nguyên liệu theo tỷ giá; vay ngân hàng bằng đô la Mỹ, chấp nhận rủi ro chênh lệch khi đáo hạn, yêu cầu các nhà phân phối giảm thời gian trả nợ…
Còn ông Lý Quí Trung, chủ tịch Phở 24 cho biết: “Tôi thấy cơ hội đang chờ chúng ta sau khủng hoảng”. Thứ nhất, các đối thủ cạnh tranh cũng đang bị “nắn gân”, các dạng thương hiệu na ná sẽ bị thử thách nặng nề. Trong tình hình đó, Phở 24 chọn cách giữ vững giá, xây dựng thương hiệu để thu hút khách hàng. Thứ hai, nỗ lực phát triển thêm thị trường nước ngoài bằng cách tìm các đối tác chiến lược cùng ngành ở một số thị trường lân cận.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, kinh tế trưởng của quỹ đầu tư Vinacapital khép lại cuộc trò chuyện bằng nhận định của ông tự cho là “sự đổi chiều của một người bi quan”, theo ông, xu hướng thị trường đang dần “ấm lên”. Những dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế là giá cả bắt đầu đi vào ổn định hơn (chỉ số giá chỉ tăng khoảng 2% trong tháng 6.2008), vụ hè thu trúng mùa lớn góp phần bình ổn giá lương thực, và giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm. Gói giải pháp điều chỉnh của Chính phủ có vẻ đang phát huy tác dụng.
Khiêm Trần