Niềm đam mê, khát vọng cộng với sự nhanh nhạy đã giúp Nguyễn Bình Phương (28 tuổi), giám đốc CNTT của NH TMCP Phát Triển Nhà TPHCM (HDBank) trở thành CIO trẻ tuổi trong ngành ngân hàng (NH). Tạp chí Thế Giới Vi Tính đã có cuộc trao đổi với ông Phương nhằm chia sẻ kinh nghiệm về nghề CIO.
Thưa ông, điều gì đã khiến ông chọn CIO là nghề?
![]() |
Ông Nguyễn Bình Phương |
Có thể nói, trước tiên đó là sở thích và là niềm đam mê từ nhỏ của tôi đối với công nghệ thông tin (CNTT). Càng lớn lên, tôi càng nuôi khát vọng là phải chinh phục được thách thức và đỉnh cao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cho khoa học quản lý. Và một điều thực tế, không kém quan trọng đó là tiềm năng về nghề CIO ở Việt Nam rất lớn.
Vì sao ông lại chọn HDBank để thể hiện nghề?
HDBank có môi trường làm việc tốt, với hệ thống mạng lưới rộng khắp cả nước, là nơi những người trẻ tuổi như tôi có thể phát huy được năng lực cũng như tâm huyết của mình. Ban điều hành và hội đồng quản trị rất chú trọng đến công tác phát triển nhân sự, đặc biệt là trẻ hóa đội ngũ.
HDBank đặt ra những yêu cầu gì với CIO?
Công việc của một CIO ở HDBank là đảm bảo việc vận hành của hệ thống CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ của nhân viên NH và phục vụ khách hàng với dịch vụ tốt nhất và an toàn nhất. Đồng thời, CIO phải thiết lập báo cáo quản trị phục vụ kinh doanh, công việc hàng ngày. Đầu tư cho hạ tầng CNTT với chi phí tối ưu, hiệu quả tối đa. Phục vụ yêu cầu báo cáo NH nhà nước và các cơ quan nhà nước khác. Ổn định được hệ thống để đảm bảo đáp ứng yêu cầu khắt khe của CNTT trong ngành tài chính. Hoạch định chiến lược CNTT cho HDBank trong 5-10 năm. Đưa CNTT thành công cụ cạnh tranh, giúp HDBank đưa các ý tưởng kinh doanh vào thực tế thông qua CNTT.
Ông đã đáp ứng được những yêu cầu đó đến đâu?
” Một thách thức cho CIO giỏi là quản lý các nhân viên tài năng của họ. Nhân viên CNTT thường có cá tính nên quản lý các tài năng, tạo sức mạnh tập thể và giữ họ lâu dài với công ty là một thách thức.” |
Tôi đã cùng với anh em trong phòng CNTT cố gắng làm chủ được hệ thống khi các nhà thầu đã rời khỏi HDBank. Chúng tôi đã xây dựng thành công hệ thống Core Banking trong thời gian “kỷ lục” gần 12 tháng, giúp cải thiện hoạt động của HDBank trong mọi mặt: quản lý, vận hành bộ máy NH, kinh doanh, phát triển sản phẩm mới. Core Banking hướng HDBank đến sự hoàn hảo trong hệ thống tổ chức, thông suốt trong vận hàng và hiệu quả tối ưu trong kinh doanh.
Thành công trong dự án Core Banking với chúng tôi chỉ là bước đầu, chúng tôi đang triển khai hệ thống Internet Banking, song song với ổn định phát triển sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao trên nền tảng công nghệ mà chúng tôi đã triển khai thành công phục vụ cho mục tiêu chiến lược về kinh doanh của HDBank.
Theo ông, một CIO giỏi cần hội tụ những yếu tố nào và phải làm gì để hoàn thiện mình?
CIO giỏi ngoài năng lực về nghiệp vụ, am hiểu về CNTT cần có tầm nhìn, tư duy chiến lược. Đặc biệt, CIO phải hiểu về ngành nghề kinh doanh của công ty mình đang làm, để có thể hướng CNTT đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh khắt khe trong thị trường hiện nay.
![]() |
Trung tâm tin học của HDBank |
CIO cần có năng lực quản lý, điều hành, giải quyết được các mâu thuẫn trong phòng CNTT cũng như các mâu thuẫn với các phòng ban nghiệp vụ khác trong công ty.
Ngoài ra, một CIO giỏi cần phải có khả năng quản lý đối tác PM, phần cứng và các thiết bị, bộ phận liên quan để đảm bảo họ cung cấp cho công ty một dịch vụ tốt và nhân viên CNTT của công ty có thể làm chủ được công nghệ khi các nhà thầu chuyển giao lại hệ thống.
Yếu tố đạo đức và tâm huyết cũng là một phần không thể thiếu với một CIO.
CIO luôn luôn phải trang bị cho mình những hành trang cần thiết về mặt kiến thức, kinh nghiệm… để đáp ứng yêu cầu công việc, với sự hội nhập diễn ra rất nhanh hiện nay của Việt Nam. Các CIO nên học hỏi kinh nghiệm, giao lưu với các CIO của công ty nước ngoài. Trang bị những yếu tố tạo nên một CIO giỏi ở trên cũng là một thách thức rất lớn.
Ở Việt Nam rất ít trường, lớp đào tạo về CIO. Các CIO đều phải tự đào tạo mình bằng nhiều hình thức, chẳng hạn làm cho công ty nước ngoài để có cơ hội được cho đi đào tạo… Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để nghề CIO phát triển?
Nhà Nước và DN Việt Nam nên chú trọng phát triển nghề CIO, vì hội nhập là xu hướng tất yếu đang diễn ra. Các DN sẽ phải đối mặt với các công ty mạnh đến từ nước ngoài, có nền tảng CNTT rất mạnh. Họ sẽ giảm được chi phí khi cạnh tranh với các công ty trong nước. Để tồn tại các DN Việt Nam và Chính Phủ cần đẩy mạnh việc đầu tư vào CNTT tùy theo ngành nghề và khả năng. Đi theo khuynh hướng đó nghề CIO cũng sẽ phát triển theo, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Nếu CNTT phát triển, Nhà Nước cần rà soát lại vấn đề đào tạo CNTT, đào tạo các ngành trong vấn đề quản lý CNTT, các DN cần chú trọng hơn trong vấn đề chiến lược CNTT, ứng dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh. Cần tạo ra một cộng đồng các CIO Việt Nam để những người đi trước chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho lớp kế cận.
Ông có chia sẻ gì với các CIO đang hoạt động, những người dự định sẽ trở thành CIO trong tương lai, những ai đang và sẽ sử dụng CIO?
Ông Phương là sinh viên đầu tiên và duy nhất hoàn thành cả hai chương trình MBA cùng lúc tại ĐH Khoa Học Hannover của Đức, với 2 chuyên ngành là: quản trị hệ thống CNTT (Information System Management) và quản lý NH, bảo hiểm, quỹ đầu tư. Ông từng làm việc trong một số dự án tại Đức như: mua bán sát nhập (M&A) giữa bảo hiểm với NH; công nghệ mới RFID (Radio Frequency Identification) cho các tập đoàn bán lẻ và ứng dụng vào các nền công nghiệp khác… Trước khi gia nhập HDBank và trở thành CIO, ông cũng từng làm việc và tư vấn cho một số DN trong ngành tài chính NH của Việt Nam như: NH Đông Á; công ty Tài Chính Ô Tô Việt Nam… Tháng 7/2008 vừa qua, ông được chọn là 1 trong 4 CIO tiêu biểu của Việt Nam tham dự diễn đàn CIO ASEAN tại học viện INSEAD của Pháp đặt tại Singapore kết hợp với tập đoàn IBM của Mỹ. |
Theo tôi, một vấn đề mà các CIO nên lưu ý thêm là phương pháp lựa chọn giải pháp CNTT phù hợp với nhu cầu thực tế của DN. Hiện nay, một số DN Việt Nam khi mua PM hay phần cứng, thường thiếu những phần quan trọng cho nhu cầu kinh doanh, nhưng lại thừa một số lượng lớn các phần khác. Điều này một phần cũng do đặc thù kinh doanh của Việt Nam. Bên cạnh đó, PM nước ngoài rất nhiều tính năng nhưng DN trong nước dùng không hết. Do vậy, khi sử dụng PM nước ngoài, DN thường phải chỉnh sửa nhiều, dẫn đến việc triển khai rất khó khăn và kết quả không cao.
Một thực tế là các công ty PM của mình lại không tạo ra được một sản phẩm đủ sức đáp ứng yêu cầu của người dùng trong nước, dù họ hiểu rất rõ đặc thù kinh doanh của người dùng trong nước.
Nguồn PC World