Năm qua là một năm “tung hoành” của Oracle trong mảng thị trường doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, chiêu thức cạnh tranh khốc liệt nhất về “giá” đã được tung ra. Với sự tham gia của SAP và Microsoft cùng các chiến lược mạnh mẽ của DN Phần mềm (PM) Việt Nam, khó đoán được điều gì sẽ diễn ra trong năm 2007.
Sôi động mảng doanh nghiệp vừa và nhỏ
Khác với dự báo ban đầu rằng ERP sẽ thích hợp và được đón nhận mạnh ở các công ty vừa và lớn ở VN, năm qua là một năm khá tưng bừng của thị trường ERP ở mảng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều bất ngờ nữa là ở phân khúc này có tới 50% các dự án triển khai dùng PM của hãng lớn là Oracle thay vì PM ERP VN như: Prime Group, công ty TNHH Minh Hiếu (sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc), công ty Cơ Khí Sơn Hà, Việt Á… Lý giải điều này, một chuyên gia cho rằng, ngoài lợi thế là thương hiệu nước ngoài, sản phẩm này còn được sự hậu thuẫn bởi đối tác là các công ty tin học lớn trong nước như FPT, CMC, Pythis, Lạc Việt, Tinh Vân. Bằng tiềm lực tài chính mạnh, các nhà cung cấp này sẵn sàng chịu “lỗ” để giảm giá bán trong giai đoạn đầu nhằm lấy thị trường và thu lợi nhuận trong tương lai. Hoặc bù chi phí vào phần triển khai, bảo trì và bán phần cứng. Chuyên gia này cũng thấm thía một điều là, các công ty PM VN khó có thể làm được điều này. Tuy nhiên, nhiều người cũng dự đoán chiến lược “vét” thị trường của đối tác Oracle với DN nhỏ tại VN sẽ khó tiếp diễn lâu dài bởi các nhà kinh doanh sẽ không thể chịu lỗ mãi và bởi họ sẽ mất nhiều công sức hơn cho các dự án ERP lớn sắp tới đây để tương xứng với tên tuổi của mình.
Cũng vì quy mô các dự án ERP triển khai trong năm qua là nhỏ, nên dù thị trường nhích lên về mặt số lượng dự án nhưng mức độ tăng trưởng thực sự không lớn.
Các tổng công ty lớn vẫn “án binh bất động”
Mặc dù các tổng công ty lớn tại VN đã sớm quan tâm tới việc trang bị ERP, thậm chí tổng công ty Viễn Thông, Điện Lực còn lập đề án nghiên cứu từ cách đây vài ba năm nhưng cho đến thời điểm này vẫn chỉ “án binh bất động”. Thừa nhận tình trạng các tổng công ty lớn của VN cho đến thời điểm này vẫn “loay hoay” lựa chọn, ông Vương Quân Ngọc, giám đốc marketing trung tâm Giải Pháp FPT-ERP cho rằng vấn đề của các DN này là chưa xác định rõ nên hay không nên ứng dụng ERP, chứ không phải thị trường thiếu một giải pháp đủ tầm đáp ứng. Đồng quan điểm đó, một chuyên gia phán đoán: hiện tại các tổng công ty đang trong tình trạng quy trình quản lý chưa rõ ràng, chưa phù hợp để chuẩn hóa. Chính vì vậy, họ lo lắng về tính khả thi của dự án ERP và khả năng rủi ro cao cho bất kỳ sự thay đổi nào về mặt hệ thống.
Tuy nhiên, trước sức ép hội nhập, đặc biệt là đòi hỏi của việc minh bạch thông tin khi tham gia thị trường chứng khoán, các nhà kinh doanh ERP tin tưởng rằng, năm 2007, các dự án ERP lớn của các tổng công ty này sẽ bước vào giai đoạn mua sắm và triển khai. Tín hiệu ban đầu khả quan nhận được từ các tập đoàn như Viễn Thông, Điện Lực, tổng công ty Đóng Tàu (Vinashin).
Chuyển biến tích cực về nhận thức
Hầu hết các nhà cung cấp và triển khai giải pháp ERP trong năm qua đều thấy thỏa mãn bởi sự chuyển biến tích cực của DN VN trong nhận thức về vai trò của ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành DN. Thậm chí, nhận thức này đã biến thành hành động, nghĩa là chấp nhận bỏ nhiều tiền đầu tư hơn để mong đạt được hiệu quả tương xứng chứ không chỉ chăm chăm tìm giải pháp rẻ. Hiện tượng các DN nhỏ “mạnh tay” đầu tư ERP trong thời gian qua là một minh chứng sống động cho điều đó. “Đây là một cách làm khôn ngoan của các DN nhỏ nhằm đi tắt đón đầu để nâng cao giá trị nội lực của mình”, ông Ngọc nhận xét. Còn ông Phí Anh Tuấn, công ty AZ đánh giá: “DN đã sẵn sàng lắng nghe và thay đổi quy trình quản lý của mình theo các quy trình nghiệp vụ được xây dựng trong hệ thống ERP, đồng thời nhận thức được quy trình sẽ giúp họ cải thiện đáng kể năng lực”.
Trong quá trình triển khai tới khách hàng, ông Nguyễn Văn Khương, giám đốc EFFECT rút ra kết luận: “Nhu cầu về một hệ thống ERP theo nghĩa đầy đủ các phân hệ vẫn chưa thực sự hiện hữu trong phần lớn các DN cỡ vừa ở VN”. Điều này mặc nhiên dẫn tới một tư duy cởi mở hơn về ứng dụng ERP. Theo đó, ERP thực chất là phục vụ quản lý DN và họ sẽ lựa chọn giải pháp nào có khả năng đáp ứng tối đa nhu cầu quản lý của họ và sẵn sàng cho tương lai phát triển sau này chứ không nhất thiết bắt đầu bằng một hệ thống ERP đầy đủ.
Tuy nhiên, việc phát huy hiệu quả của các hệ thống ERP tại VN, theo ông Phạm Quang Tiến Đạt, trưởng phòng Kinh Doanh công ty Vietsoft đánh giá, thì chỉ đạt khoảng 60% năng lực của hệ thống. Tỷ lệ này, theo nhiều chuyên gia khác đánh giá còn thấp hơn. Ông Đạt thừa nhận: Để tối ưu hóa nguồn lực của ERP các DN VN cần có thời gian. VN chỉ vừa mới trải qua 2 năm đầu triển khai ERP, trong khi những chuyển biến tích cực về trình độ ứng dụng trong năm qua có thể đã bằng cả 3 năm trước cộng lại.
Chưa minh bạch thông tin
Thành công lớn đối với thị trường ERP tại VN trong năm qua là làm tốt công tác tuyên truyền. Một loạt các hội thảo lớn nhỏ về ERP ở các tỉnh thành, nhất là Hà Nội và TP.HCM đã góp phần nâng cao nhận thức về ERP trong DN. Tuy nhiên, chất lượng các hội thảo chưa cao vì đa phần tổ chức theo kiểu “một mình một chợ” của một – hai nhà cung cấp, triển khai nào đó chứ chưa là chợ thông tin nhiều chiều, đa dạng về tất cả các giải pháp ERP như DN mong muốn.
Cho đến thời điểm này, rất ít DN muốn công bố các dự án ERP mà mình đã và đang triển khai. Một phần vì tính phức tạp của dự án ERP khiến không DN nào dám đảm bảo thành công trước khi triển khai, nên thông tin đưa ra đều hết sức thận trọng và dè dặt. Một phần vì cho đến thời điểm này chưa có DN nào tại VN đạt kết quả mỹ mãn với dự án ERP.
Kể cả những đơn vị đã công bố nghiệm thu dự án thì tỷ lệ khai thác và vận hành tối ưu hệ thống vẫn chỉ ở mức tương đối. Trong khi đó, năm qua đã bắt đầu có một vài dự án ERP (kể cả giải pháp ERP của nước ngoài đã được kiểm chứng thành công ở nhiều DN trên thế giới) triển khai thất bại tại VN, dù chưa chính thức “khai tử”.
| | GIÁ TRỊ TRUNG BÌNH CÁC DỰ ÁN ERP TẠI VIỆT NAM (đơn vị: USD) | |
| | Tên PM ERP | | | Giá trị trung bình | |
| | SAP | | | Từ 400.000 – 1 triệu | |
| | Oracle | | | 100.000 – 500.000 | |
| | Scala | | | 7.000 – 200.000 | |
| | Exact | | | 50.000 – 100.000 | |
| | AZ | | | 70.000 | |
| | Pythis | | | 30.000 | |
| | Fast | | | 25.000 | |
| | EFFECT | | | 8.000 – 50.000 | |
| | Vietsoft | | | 6.000- 40.000 | |
| | VIAMI | | | 2.000 – 30.000 | |
| | Thông tin được cung cấp bởi: Oracle, trung tâm FPT – ERP (triển khai 41% các dự án ERP của Oracle tại Việt Nam), Pythis (triển khai 54% các dự án ERP của Oracle tại VN), Tinh Vân, CMC, Ernst & Young, Exact Software, AZ Solution, Fast, EFFECT, VIAMI, Vietsoft | |
Tuy nhiên, điều đáng nói là sự thận trọng, bưng bít thông tin về các dự án ERP đã làm thị trường ERP VN thời gian qua phát triển thiếu lành mạnh và có nhiều biểu hiện đi chệch hướng. PM ERP dòng tầm cao (high-end) thì bán cho thị trường tầm trung (mid-range), sản phẩm dòng mid-range thì chuyển xuống thị trường tầm thấp (low-end). ERP trở thành thương hiệu chứng tỏ đẳng cấp nên “nhà nhà” tự xưng sản phẩm của mình là ERP, “người người” tự nhận mình ứng dụng ERP. Các DN ứng dụng rơi vào tình trạng rối thông tin, không phân biệt được mình cần giải pháp gì, “chiếc áo” ERP nào vừa với mình. Hiện tượng này dẫn tới mảng tối của thị trường là nhiều DN nghi ngờ về tính khả thi của ERP tại VN hoặc lựa chọn PM của nước ngoài để đảm bảo an toàn. Việc lựa chọn không căn cứ trên thực lực của mình khiến cho nhiều dự án ERP ở VN có nguy cơ sa lầy hoặc trong tình trạng “dở chết dở sống” do lựa chọn “chiếc áo” ERP quá chật hoặc quá rộng.
Một trong các lí do khiến thị trường ERP phát triển thiếu minh bạch thông tin như trên là do VN hiện đang vắng bóng các nhà tư vấn ERP độc lập. Hầu hết các dự án ERP được ký kết đều được tư vấn từ chính nhà cung cấp hoặc đại lý giải pháp theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Ghi nhận từ chuyên mục “ERP trong doanh nghiệp” trên Thế Giới Vi Tính B trong 1 năm qua cũng cho thấy, nhu cầu tìm kiếm thông tin về ERP từ các DN đang gia tăng. Đặc biệt, các DN rất quan tâm tới những trường hợp (case study) ứng dụng ERP cả thành công và thất bại được giới thiệu trên báo chí để học hỏi kinh nghiệm. Và thị trường đang trông chờ sự xuất hiện của các nhà tư vấn độc lập trong năm tới.
Lời kết
2 năm là quãng thời gian chưa đủ dài để nói về mối nhân duyên giữa ERP với các DN VN. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường thời gian qua cho thấy ERP đã lan tỏa trong cộng đồng DN VN và được coi như vũ khí chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thời hội nhập. Với sự gia nhập chính thức của 2 hãng lớn là SAP và Microsoft trong 2 tháng cuối năm nay, có thể tiên lượng năm 2007 sẽ là năm sôi động của thị trường ERP VN. Cụ thể, dự báo sẽ có biến động mạnh ở khúc thị trường tầm trung và nhỏ, là 2 nhóm mà vốn dĩ các PM nước ngoài này có thế mạnh trên thế giới. Các DN PMVN chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và chịu áp lực cạnh tranh nặng nề, thậm chí sẽ có hiện tượng thoái trào, rút lui hoặc trở về đúng sở trường PM của mình. Nhưng nếu chấp nhận cuộc chơi, chắc chắn các DN PM VN phải tiếp tục đầu tư và nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm. Đồng thời, với tỷ lệ chưa đến 1% DNVN ứng dụng ERP, chắc chắn thị trường vẫn còn đủ rộng để các DN PM VN tung hoành. Cuối cùng, cho dù ERP nội hay ngoại thì bản chất vẫn là phục vụ nhu cầu quản lý của DN. Chính thị trường và người dùng sẽ quyết định dùng giải pháp nào đáp ứng nhu cầu của họ chứ không nhất thiết phải là ERP hay không.
GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC
Ông Nguyễn Văn Khương, giám đốc EFFECT
Nhiều lãnh đạo nghi ngờ hiệu quả đầu tư một dự án ERP là điều dễ hiểu vì phần lớn các dự án triển khai ERP đã được thực hiện “không đến đầu đến đũa”. Lý do có rất nhiều, cả từ phía DN và nhà cung cấp giải pháp. Như tôi đã nói, PM kế toán mở rộng đã giải quyết trên 60% nhu cầu quản lý thông tin trong DN. Vậy thì đầu tư thêm một khoản tiền lớn gấp vài lần PM kế toán để thực hiện 40% còn lại, mà việc thực hiện lại khó khăn hơn nhiều, tất nhiên DN sẽ cảm thấy không hiệu quả. Theo tôi, sau này khi mà 40% trở thành nhân tố phân biệt khả năng cạnh tranh của các DN, thì DN mới thấy được ý nghĩa của nó và lúc đó việc triển khai ERP mới có hiệu quả.
Với việc VN gia nhập WTO, thị trường PM quản lý năm 2007 sẽ rộng mở hơn. Sẽ có thêm nhiều giải pháp ERP ngoại vào VN, đặc biệt cho các DN vừa và nhỏ. Cạnh tranh sẽ mạnh hơn nhưng theo tôi, các giải pháp ERP nội vẫn có đất để phát triển tốt và tình hình vài năm tới sẽ giống như thị trường PM kế toán, tức là các giải pháp ERP nội sẽ thắng thế và chiếm chủ yếu trên thị trường.
Trong năm 2007, chúng tôi vẫn sẽ duy trì chiến lược tiếp tục phát triển và cung cấp cho các DN dòng sản phẩm kế toán mở rộng và ERP. Sản phẩm EFFECT-ERP vẫn sẽ là sản phẩm chiến lược của EFFECT. DN không có đủ năng lực tài chính và các điều kiện khác thì có thể mua PM kế toán mở rộng Visual EFFECT SQL 3.0, sau này sẽ nâng cấp lên hệ thống EFFECT-ERP, còn DN nào đã hội đủ điều kiện thì có thể trang bị ngay EFFECT-ERP. Sản phẩm EFFECT-ERP của EFFECT hiện nay đã có đầy đủ các module cơ bản, sẵn sàng customize cho các ngành nghề. Chúng tôi đã trang bị thành công EFFECT-ERP cho ngành bao bì và đang sắp hoàn thành dự án cho ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Chúng tôi đã có phiên bản cho hệ thống phân phối, đại lý bán hàng và chúng tôi cũng tin tưởng với các ngành khác, khả năng customize của EFFECT-ERP là hoàn toàn khả thi.
Ông Phí Anh Tuấn, giám đốc AZ
Do thời gian ứng dụng ERP của các giải pháp nước ngoài tại VN chưa lâu nên các bài học về thất bại từ việc lựa chọn các giải pháp này chưa thể hiện rõ nét. Các DN mới áp dụng tin tưởng vào thương hiệu của giải pháp nước ngoài và đối tác triển khai nên sẵn sàng mua. Các đơn vị đã mua rồi nhưng thất bại hoặc hiệu quả khai thác không xứng với chi phí bỏ ra thì do “lỡ rồi” nên không công bố các kết quả này. Mặt khác, xu hướng cho rằng kết quả không tốt khi sử dụng PM nước ngoài là do lỗi của mình, còn dùng PM trong nước là do lỗi của nhà cung cấp còn khá phổ biến, từ đó mang lại những hình ảnh không tốt về giải pháp trong nước.
DN VN trang bị hệ thống ERP ngoài chuyện ứng dụng CNTT mang hiệu quả cho mình còn muốn thông qua đó làm thương hiệu để khẳng định đẳng cấp của mình. Trong khi một số DN nước ngoài sẵn sàng lựa chọn giải pháp ERP VN, thì các DN trong nước lại coi đó là một điểm yếu so với đối thủ và thay vì chọn giải pháp trong nước, họ sẵn sàng bỏ chi phí cao hơn cho PM nước ngoài. Thực trạng một vài DN mải làm thương mại và không đầu tư cho sản phẩm chuyên nghiệp nên cũng làm hình ảnh PM VN xấu đi. Theo tôi, năm 2007 PM ERP VN sẽ gặp nhiều khó khăn và chịu áp lực cạnh tranh nặng nề. Các DN PM VN sẽ phải tiếp tục đầu tư và nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm và rất cần sự hỗ trợ dùng hàng Việt từ DN trong nước.
Ông Phạm Quang Tiến Đạt,
trưởng phòng kinh doanh, Vietsoft
Vấn đề ứng dụng ERP cần được định danh cho đúng. Các DN cần hiểu được mình cần ứng dụng CNTT để trị những “bệnh” gì để chọn những module đem lại hiệu quả lớn nhất ứng dụng trước, chứ không hẳn ứng dụng tất cả cùng một lúc. DN chuyên về phân phối thì không cần những phân hệ chiết tính giá thành và hợp lý hoá sản xuất, chỉ cần giải pháp POS tốt giảm ngay lượng hàng tồn kho vô lý, dự báo nhu cầu… đã giải quyết được bao nhiêu vấn đề rồi.
Như mọi ngành kinh tế khác, WTO sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường ERP. Sẽ có 2 tác động chính tạo ra cú hích tốt với thị trường là: Thứ nhất, đem đến sân chơi ERP nhiều nhà cung cấp hàng đầu thế giới thật sự chuyên nghiệp. Thứ 2, giao thoa các qui trình quản lý với thế giới, góp phần chuẩn hoá qui trình quản lý của các DNVN, giúp ứng dụng hiệu quả các PM.
Năm 2007, thị trường có thể khủng hoảng cung ở giữa năm và thoái trào một số PM ERP nội nếu không được đầu tư nâng cấp và chỉ dừng ở các mảng phân hệ đặc thù. Tuy nhiên, phải nhìn nhận, người tiêu dùng VN vẫn ưu ái những nhà cung cấp có thể hiểu thấu hoàn cảnh DN của họ. Do vậy, cơ hội cho các nhà cung cấp ERP VN là rất lớn nếu họ tập trung nguồn lực vào đúng sở truờng của mình, tạo ra các giải pháp đặc sắc của từng phân khúc, từng ngành. DN nào làm giải pháp cho ngành dệt may thì cứ tập trung làm cho ngành dệt may, DN nào làm các giải pháp cho ngành bao bì thì cứ tập trung chuyên môn vào ngành bao bì, không lan man thì mới có đủ lực được.
Ông Vương Quân Ngọc, phụ trách Marketing, Trung tâm FPT – ERP
Năm qua, thuật ngữ ERP không còn xa lạ với DN VN. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng Với nhận thức đó, các DN cũng tăng ngân sách chi tiêu khi tiến hành mua PM. Tuy nhiên, số lượng các DN sẵn sàng mua PM ERP vẫn chưa nhiều. Đa phần các DN vẫn “nghe ngóng” nhiều hơn là “dốc hầu bao” để mua sản phẩm. Tỷ lệ các DN ứng dụng ở miền Nam cao hơn ở miền Bắc.
Cùng với sân chơi hội nhập, các DN VN buộc phải trang bị cho mình nhiều hơn. Họ thực sự muốn làm một cuộc “cách mạng” trong cải tổ cơ cấu, quy trình nghiệp vụ… bằng việc ứng dụng các bộ sản phẩm ERP chuẩn của nước ngoài. Bản thân các DN này đều nhận thức được việc đầu tư vào ERP sẽ mang lại nhiều lợi ích nên họ không ngại ngần khi bỏ tiền mua các PM này. Đây sẽ là hiện tượng phổ biến trong năm 2007, khi mà các DN phải chịu một sức ép rất lớn về hội nhập, cạnh tranh… Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là PM ERP VN sẽ “chết”. Nhưng các công ty PM ERP VN sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với chính các PM nước ngoài tại thị trường DN vừa và nhỏ. Thị trường PM ERP sẽ thực sự phát triển về chất khi mà các PM ERP VN sẽ cải tiến, nâng cấp về chất để cạnh tranh, đồng nghĩa với điều đó là giá trị các PM sẽ tăng lên, ngân sách chi tiêu cho ERP của các DN cũng sẽ tăng lên.
| TỶ LỆ SỬ DỤNG CÁC PM ERP TRONG CÁC DỰ ÁN | |
| | |
| Biểu đồ này chỉ thể hiện số lượng các dự án ERP đã và đang được triển khai tại Việt Nam từ 2004 đến nay. Biểu đồ chỉ tính các dự án triển khai ERP đầy đủ hoặc gần như đầy đủ các phân hệ. Các dự án chỉ triển khai phần kế toán, nhân sự, hoặc các dự án ERP triển khai cho khối ngân hàng, bộ tài chính không nằm trong thống kê này. |