Kết thúc năm 2008, nhiều người cho rằng tình hình kinh tế khó khăn chắc chắn kéo theo sự sụt giảm của thị trường ERP trong nước. Trên thực tế, thị trường ERP trong năm 2008 có sự phân hóa rõ nét và vẫn tăng trưởng tốt ở một số phân khúc.
 

Số hợp đồng nâng cấp, mở rộng tăng

Rất nhiều nhà cung cấp phần mềm (PM) cho rằng những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và DNPM nói riêng. Tuy nhiên, đối với nhiều nhà triển khai, 2008 không phải là một năm quá tệ như mọi người nghĩ, thậm chí doanh thu của họ có khi còn tăng cao hơn năm trước. Cũng theo các nhà triển khai, phần lớn các hợp đồng triển khai trong năm 2008 đều là hợp đồng nâng cấp, mở rộng giải pháp. Lý giải điều này, ông Lê Thanh Hà, phó tổng giám đốc công ty dịch vụ ERP – FPT cho rằng: Thị trường ERP từng phát triển nóng trong giai đoạn 2005 – 2006, đến nay là lúc DN triển khai ERP ở giai đoạn đó cảm nhận được hiệu quả. Với việc triển khai ERP, dần dần các chỉ số quản trị của DN như hàng tồn, công nợ, vòng quay vốn… sẽ được cải thiện đáng kể. Nhờ có đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin về mọi mặt của hoạt động sản xuất kinh doanh, lãnh đạo và cán bộ các cấp sẽ chủ động hơn trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như có quyết định phù hợp và kịp thời nhất. Vì thế, họ tiếp tục đầu tư nâng cấp hoặc mở rộng quy mô giải pháp.

 
“Những DN triển khai ERP sẽ có sức đề kháng tốt hơn trong mọi thị trường, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay”.
Ông Đặng Khắc Tuấn, tổng giám đốc công ty cổ phần tư vấn quản trị doanh nghiệp Tinh Vân.

Ngoài ra, còn một cách lý giải khác. Theo ông Võ Hồng Kỳ, giám đốc trung tâm phần mềm HPTSoft, công ty HPT, khi hoạt động kinh doanh tăng trưởng vừa phải, DN sẽ có thời gian để triển khai ERP. Do đó, đối với các DN đã có thời gian tìm hiểu về ERP, năm 2008 là một cơ hội. Triển khai ERP vào thời điểm này cũng là sự chuẩn bị tốt để đón đầu khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại, khoảng năm 2010. Hơn nữa, theo tình hình chung, DN đầu tư ERP vào thời điểm này sẽ được hưởng mức giá tốt nhất.

Trong thời kỳ lạm phát, đương nhiên số các DN phải cân nhắc khi đưa ra quyết định triển khai ERP là không ít. Ông Nguyễn Văn Khương, giám đốc công ty phần mềm EFFECT cho biết: Nếu chỉ tính 3 quý đầu năm thì mức độ quan tâm của các DN còn nhiều hơn so với 2007, nhưng số các cuộc tìm hiểu dẫn đến kết quả đầu tư mua phần mềm không nhiều. Bên cạnh đó, nhiều nhà triển khai cho biết họ đều có các dự án bị cắt giảm hay trì hoãn, thậm chí xin hủy hợp đồng sau thời gian dài trì hoãn.

Dù vậy, kết thúc năm 2008, nhiều nhà triển khai cho biết mảng dịch vụ ERP của họ vẫn tăng trưởng đáng kể so với năm 2007 như: FPT, HPT, Gimasys…

Những thách thức với ERP nội

Theo ông Hà (FPT), nhìn chung DN đã có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của ERP. DN lớn đã dành ngân sách nhiều triệu USD, DN vừa và nhỏ cũng dành ngân sách tương xứng cho việc triển khai ERP. Theo ước tính của ông Kỳ HPT những DN có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm đều sẵn sàng dành 1% doanh thu cho CNTT, trong đó có ERP. Đây rõ ràng là tin vui cho các nhà cung cấp giải pháp. Nhưng với các nhà cung cấp giải pháp ERP trong nước, bên cạnh niềm vui là sự lo lắng.

Trong năm 2008, giới CNTT đã chứng kiến sự chia tay của một số nhà cung cấp giải pháp ERP trong nước. Nhận định về tình hình, ông Đặng Khắc Tuấn, tổng giám đốc công ty cổ phần tư vấn quản trị doanh nghiệp Tinh Vân cho rằng: “Khi thị trường co hẹp, nhiều nhà cung cấp giải pháp ERP nội địa sẽ gặp khó khăn và có thể sẽ có những công ty không trụ vững được. Những công ty vượt qua được khó khăn và tiếp tục tồn tại sẽ có lợi thế lớn khi thị trường tăng trưởng trở lại, vì khi đó họ có ít đối thủ cạnh tranh hơn”.

Trong khi đó, cũng trong năm 2008, hãng SAP liên tiếp công bố hàng loạt đối tác mới ở Việt Nam với những chiến lược dài hơi và các kế hoạch đầu tư vào thị trường ERP
 
 
“Các kết quả vô hình và hữu hình khi ứng dụng thành công ERP là năng suất lao động tăng lên, hệ thống thông tin trong DN thông thoáng và các quyết định quản trị kinh doanh dựa trên thông tin định lượng, không còn cảm tính nữa”.
Ông Nguyễn Văn Khương, giám đốc công ty phần mềm EFFECT
Việt Nam. Các nhà cung cấp giải pháp ERP ngoại tên tuổi khác như Oracle, Microsoft đều đưa ra rất nhiều gói giải pháp nhỏ, phù hợp với nhu cầu của các DN nhỏ và vừa vốn chiếm đa số ở VN. Giá của các giải pháp này cũng rất “vừa túi tiền”, có giải pháp chỉ khoảng 30.000 – 50.000 USD (dưới 1 tỷ VND). Điều này buộc các nhà cung cấp ERP trong nước phải giảm giá. Tuy nhiên, giảm giá không phải là lời giải thông minh nhất. Nếu giảm nhiều quá, họ sẽ không đủ chi phí để tái đầu tư cho PM, bởi ERP phải luôn cập nhật. DNPM không đủ nguồn thu để ra sản phẩm mới, họ sẽ bị khách hàng đào thải. Bởi vậy, với các nhà cung cấp ERP nội, thời điểm từ năm 2008 trở đi sẽ là thời kỳ đầy khó khăn, thử thách.

Dự đoán 2009 : Nhiều khó khăn

“FPT tăng trưởng 50% mỗi năm và dự kiến năm nay chúng tôi sẽ cán đích doanh số 1 tỷ USD. Thành công này là nỗ lực của nhiều thế hệ cán bộ FPT nhưng có thể nói hệ thống quản trị tiên tiến ERP đã góp phần không nhỏ”.
Ông Lê Thanh Hà, phó tổng giám đốc công ty dịch vụ ERP – FPT

 
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế, khủng hoảng tài chính còn kéo dài trong năm 2009. Các DN sẽ phải cắt giảm mạnh chi phí, nhân sự, dẫn đến cực kỳ e dè trong đầu tư xây dựng hệ thống ERP. Do đó, thị trường ERP trong năm 2009 nhìn chung rất khó khăn. Nhiều nhà triển khai đã chuẩn bị cho mình những kế hoạch mở rộng thị trường, như đưa ra nước ngoài. Một số nhà triển khai lại nhắm đến đối tượng là các DN có tiềm lực tài chính tốt, ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Một số khác vẫn lạc quan bởi đầu tư cho ERP không phải chỉ một lần theo kiểu dự án, mà là một quá trình liên tục, nhiều năm. Vì vậy, DN đã triển khai ERP sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, nâng cấp, phát triển hệ thống ERP hiện có và tiếp tục đầu tư các ứng dụng CNTT khác như hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM), hệ thống báo cáo phục vụ lãnh đạo (BI).

Bằng Linh
 
(Theo PCworld)

Comments

comments

Comment