Đó là điều ông Trần Quí Thanh nhấn mạnh trong cuộc họp hàng tuần chủ đề “Kinh nghiệm sử dụng chuyên gia tư vấn”. Với cách nói Nam bộ chân chất của một nhà quản lý “ham học”, ông còn thêm “không có tư vấn không được, mà gặp tư vấn sai thì còn chết thảm. Tôi vốn bầm dập chiến trường, anh em doanh nghiệp gọi đùa là “Bảy Thẹo” nên muốn nói hết cho bạn bè đừng bị lãnh thẹo nữa”. Chưa bao giờ cuộc họp ăn trưa của LBC kéo dài đến 14h20 mà không dứt được. Ban tổ chức phải thoả thuận với diễn giả và cử toạ tổ chức một buổi họp khác cho chuyên đề này dài khoảng 6 giờ mới thoả. Phóng viên trang chuyên đề LBC đã có cuộc trao đổi với ông
![]() |
TS. Trần Quí Thanh đang chia sẻ kinh nghiệm làm việc với tư vấn. Ảnh: Đức Nguyễn |
Được biết Tân Hiệp Phát là một đơn vị từng thuê rất nhiều chuyên gia tư vấn, xin ông chia sẻ rõ hơn vì sao ông “mặn mà” với tư vấn vậy?
Tôi cho là, đã làm doanh nghiệp thì luôn luôn phải giải quyết nhiều vấn đề. Ai mà nói, công ty tôi không có vấn đề, chắc họ… sắp đóng cửa vì không liên tục cải tiến. Dùng tư vấn vì mình đâu có tài thánh gì mà am hiểu mọi lãnh vực, khía cạnh, nên mình cần chuyên gia có chuyên môn sâu; ngoài ra, họ lại khách quan và độc lập nên dễ giúp mình đi đúng.
Xin ông nói qua những kinh nghiệm khái quát nhất khi muốn sử dụng tư vấn?
Cần hiểu rõ quá trình thực hiện một dự án tư vấn. Thực hiện các bước một cách nghiêm túc, từ đặt vấn đề (mình thực sự cần tư vấn gì, nhiều người muốn lung tung, muốn nhiều thứ mà không tập trung rõ thứ gì); đến cung cấp thông tin cho nhà tư vấn chẩn đoán bịnh mình cần chữa trị; nhà tư vấn đưa giải pháp và bản đề nghị, đây là bước phải xem xét kỹ lắm chứ đừng chỉ chú tâm bảng báo giá; kế đó là theo đuổi thực hiện dự án và luôn kiểm tra theo dõi quá trình này; cuối cùng là nghiệm thu và thanh lý hợp đồng. Hai yếu tố quyết định việc tư vấn thành công hay không là: nội lực của doanh nghiệp (đủ tầm nhìn, đủ quyết tâm, có đủ lực về tiền bạc, nhân sự không và có dám chấp nhận thay đổi không) và năng lực của nhà tư vấn.
Xin ông kể cho biết những va vấp thường gặp khi sử dụng tư vấn?
Nói đến hai yếu tố năng lực của chuyên gia tư vấn và nội lực của doanh nghiệp, nghe đâu có gì phức tạp phải không nhưng “nói vậy mà không phải vậy”.
Về năng lực tư vấn, Tân Hiệp Phát đã từng mời những “đại gia” tư vấn nước ngoài khá nổi tiếng và họ đã “bán lại” hợp đồng cho một bên thứ ba còn quá ít kinh nghiệm. Nhiều trường hợp, tôi đã phải đi xem thực tế ứng dụng dự án ở các nước xem thực hư ra sao và cũng đã có lần hú vía thấy không xem tận mắt thì… bị lừa. Cũng có lần phải thuê tư vấn để giúp mình tuyển chọn tư vấn. Tôi thường hỏi nhà tư vấn: vì sao tôi phải mời anh tư vấn cho tôi? Họ trả lời thông thì coi như đầu đã xuôi. Thường những nhà chuyên nghiệp lại ít huênh hoang. Những người ít chuyên nghiệp thường đưa ra những lời bóng bẩy, mơ hồ nghe “kêu” mà khó hiểu, họ thường nói đi nói lại từ “chiến lược” mà đưa ra các bước, các cột mốc, các công cụ kiểm tra và báo cáo cho từng cột mốc thiếu rõ ràng. Tôi từng nhờ tư vấn dự án có tới 800 báo cáo, từ chẩn đoán tới làm đề xuất mất cả năm. Khi Tân Hiệp Phát mời tư vấn triển khai hệ thống thông tin quản trị doanh nghiệp (ERP), có 12 nhà cung cấp tham gia đấu thầu nhưng khi tôi đòi hỏi cụ thể hệ thống báo cáo theo dõi tiến độ thực hiện, có đến 8 nhà cung cấp lẳng lặng “biến mất ”. Cũng may, Tân Hiệp Phát cũng đã lựa được một nhà cung cấp phù hợp và đạt được thành công.
* Tân Hiệp Phát có các nhãn hiệu nước giải khát quen thuộc: trà xanh không độ, nước tăng lực Number One, bia Bến Thành… |
Về nội lực doanh nghiệp, vấn đề quan trọng là phải có nhân sự tham gia dự án tới cùng. Hồi triển khai dự án ERP, nhà tư vấn đưa ra một yêu cầu rất “bể đầu”, Tân Hiệp Phát phải đưa ra giám đốc dự án có bốn đặc điểm sau: rành tiếng Anh; giỏi tiếng Việt; có quyền trong công ty; có năng lực và kinh nghiệm quản lý một dự án tương đương. Trăn trở mấy ngày, cuối cùng Tân Hiệp Phát cũng chọn được giải pháp đưa cô Trần Ngọc Phương (con gái ông Thanh), thạc sĩ quản trị kinh doanh đang là giám đốc tài chính, làm giám đốc dự án. Phương thoả ba điều kiện và chưa có điều kiện thứ tư, Tân Hiệp Phát đã thuê riêng một người để huấn luyện cấp tốc khả năng quản lý dự án cho cô.
Thưa ông, ông có vẻ không ngại nói đến những ca thất bại khi nhờ tư vấn?
Nếu có những gì muốn nói nhất với các bạn bè là các doanh nhân dẫn đầu, tôi thích nói tới những trường hợp tôi đã trả học phí rất nặng khi sử dụng tư vấn. Đã có trường hợp tôi nhờ tư vấn tái cấu trúc hệ thống phân phối và… thua, khi ứng dụng đã lập tức làm đảo lộn hệ thống phân phối và tuột doanh số tới mấy trăm tỉ đồng. Tôi sẵn sàng mổ xẻ sâu bài học này trong lần trò chuyện kế tiếp cùng các bạn.
Vâng, chúng tôi sẽ thu thập các câu hỏi liên quan vấn đề tái cấu trúc hệ thống phân phối gởi ông khi chuẩn bị lần gặp kế tiếp. Còn về trường hợp bia Laser từng một thời nổi tiếng trên báo chí?
Đây là một trường hợp tư vấn thú vị vì nó chứng minh một điều: 99% thắng cũng chưa chắc thắng. Hồi đó, Tân Hiệp Phát đã làm chủ được công nghệ làm bia tươi đóng chai, một sản phẩm độc đáo chưa từng có. Nhà tư vấn thương hiệu cũng đưa ra một slogan rất ấn tượng: Laser – Đi trước một bước! Tuy nhiên, chúng tôi không thể lường trước về hợp đồng được giữ bí mật có điều khoản phân phối độc quyền của một đối thủ cạnh tranh, điều mà bấy giờ đối với nước ngoài là vô đạo đức còn ở Việt Nam thì chưa quy định rõ ràng. Kết quả là Laser không thể đến được với người tiêu dùng Việt Nam rộng rãi. Từ sự kiện này, chúng tôi quyết tâm đấu tranh, không phải vì Laser, mà vì quyền được lựa chọn của người Việt Nam. Năm 2005, Quốc hội đã thông qua luật Chống độc quyền. Hiện nay, vụ kiện đang được thụ lý và sẽ có kết quả trong thời gian tới.
* * *
Cuộc thảo luận sau đó khá sôi nổi với nhiều ý kiến tham gia của ông Võ Quốc Thắng, tổng giám đốc công ty gạch Đồng Tâm, ông Trần Minh Tâm, chủ tịch HĐQT công ty TTT và ông Nguyễn Quang Hạnh, phó tổng giám đốc công ty ICP… Ông Thắng kể về câu chuyện công ty ông đang nhờ tư vấn về quản lý chất lượng. Còn ông Tâm cho rằng, hiện nay sử dụng tư vấn là “siêu khó”, khó nhất là chọn được nhà tư vấn có khả năng và đáng tin cậy. Nhiều nhà tư vấn thực ra chỉ cung ứng giải pháp hay… giới thiệu bán sản phẩm chứ không làm tư vấn, họ tư vấn cả việc nên chọn mua sản phẩm nào để ăn hoa hồng nhà sản xuất thì khó mà khách quan độc lập. Ông Hạnh trình bày về trường hợp tư vấn ERP ở ICP, một trong những doanh nghiệp triển khai nhanh chóng và thành công nhất từ trước đến giờ. Nhiều câu hỏi đang tiếp tục trao đổi và chờ cuộc thảo luận kế tiếp.
Khiêm Trần
Cùng bàn về ERP Trong chủ đề sử dụng tư vấn tuần này, nhiều doanh nghiệp LBC đang cùng quan tâm đến kinh nghiệm triển khai hệ thống quản trị tổng thể doanh nghiệp (ERP). Công ty TTT là công ty thiết kế nội thất đầu tiên mua phần mềm thiết kế của Microsoft, chủ tịch TTT Trần Minh Tâm được đề nghị báo cáo về kinh nghiệm tin học hoá quản lý ở TTT cho LBC. Anh cho biết, LBC có khá nhiều doanh nghiệp đã thực hiện thành công ERP như Tân Hiệp Phát Group, ICP, Kinh Đô… Các đơn vị này sẽ cùng “hợp xướng” cho đề tài “kinh nghiệm ứng dụng ERP” sắp tới. Nhà báo Tạ Bích Loan cũng đã giới thiệu đề tài “Doanh nhân giao tiếp với báo chí – cơ hội và rủi ro” cho danh mục các đề tài tháng 9. Tham gia của những người kế nghiệp Điều thú vị trong các cuộc họp LBC gần đây thường có sự tham gia nhiều nhà quản trị trẻ là con của các thành viên LBC. Ông Trần Quí Thanh cùng hai con là chị Trần Ngọc Bích (phó giám đốc tài chính của Tân Hiệp Phát Group) và anh Trần Ngọc Dũng (hiện đang du học ở Mỹ, về nghỉ hè) tham gia. Ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch gạch Đồng Tâm cũng đưa cậu con trai mới du học từ Nhật đến. Ở LBC, từ lâu có sự tham gia của anh Trịnh Chí Cường, hiện là phó tổng giám đốc công ty nhựa Đại Đồng Tiến, con trai ông Trịnh Đồng. Ngoài ra còn có chị Lê Diệp Kiều Trang, trưởng ban điều hành LBC và anh Lê Trí Thông, phó tổng giám đốc ngân hàng Đông Á, đều là con ông Lê Văn Trí, phó tổng giám đốc Casumina. Bồi dưỡng cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo đang là mối quan tâm chung của các thành viên LBC. |