Đổi mới từ nhận thức

Từ cách đây 10 năm, công ty xi măng Holcim (Thụy Sĩ) đến Việt Nam và mang đến từ công ty mẹ mô hình quản lý ERP của SAP. Năm 1999, công ty Xi Măng Hà Tiên 1 triển khai ERP của Oracle. Việc đầu tư hệ thống ERP đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị và hiệu quả hoạt động kinh doanh tại Hà Tiên 1. Bằng chứng là thời gian qua, giá nhập khẩu thạch cao liên tục tăng, chi phí vận tải tăng… nhưng công ty vẫn giữ được uy tín với đối tác cung ứng do sức mua ổn định, thanh toán đúng hạn, tạo lợi thế trong cạnh tranh. Cuối năm 2007, cổ phiếu của Hà Tiên 1 cũng đã chính thức giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Tuy nhiên, nhìn chung trong ngành xi măng, số doanh nghiệp (DN) ứng dụng CNTT một cách tổng thể như Holcim, Hà Tiên 1 chưa nhiều. Phần lớn, các DN mới chỉ ứng dụng CNTT ở một vài khâu lẻ tẻ như kế toán, quản lý kho, vật tư…

Lý giải điều này, ông Nguyễn Ngọc Anh, tổng giám đốc (TGĐ) VICEM nhận định: Thị trường phía Bắc có nhiều DN xi măng hơn do đó cạnh tranh gay gắt hơn. Lẽ ra, nhu cầu đổi mới phải xuất phát từ các DN phía Bắc. Thế nhưng, DN phía Nam thường năng động hơn. Họ xác định kinh doanh là sống chết do đó họ buộc phải đổi mới.

Dù vậy, theo một đại diện của SAP Việt Nam, hầu hết các DN xi măng trên thế giới đã trải qua giai đoạn ứng dụng nền cơ bản và đang bước sang giai đoạn ứng dụng cao hơn. Vì vậy, DN xi măng Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT hơn nữa để có đủ năng lực cạnh tranh.

“Việc ngừng lò sẽ gây thiệt hại ước chừng 1 tỷ đồng/ngày. Trong khi đó nếu dùng ERP, ban lãnh đạo có thể nắm được thông tin về thiết bị từ các công ty thành viên, kịp thời đưa ra phương án điều phối, sử dụng thiết bị thay thế trong nội bộ VICEM”, ông Nguyễn Ngọc Anh, tổng giám đốc VICEM.

Thời gian qua, thị trường trong nước cũng đã chứng kiến những đợt “sốt” xi măng. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, dù biết là sốt ảo nhưng cũng không có cách nào gỡ do thiếu thông tin về năng lực sản xuất, nguyên liệu… từ các công ty xi măng khác, cũng như không đủ thông tin về thị trường do đó không hoạch định, không dự báo được sớm. Dự báo thời gian tới, giá nhập khẩu thạch cao, clinke vẫn có xu hướng tăng, nguồn cung cấp than sẽ cạn kiệt dần gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và doanh thu của toàn ngành xi măng. Chưa kể, khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thuế nhập khẩu xi măng giảm chỉ còn 0-5%, Hà Tiên 1 và các DN xi măng trong nước sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với xi măng nhập khẩu từ các quốc gia khác. Bên cạnh đó, nhiều công ty mới ra đời, nhiều tập đoàn lớn cũng đang vươn dài cánh tay ra toàn cầu và họ tìm kiếm những công ty nhỏ để hợp tác hoặc mua lại. Như vậy, cạnh tranh sẽ diễn ra ngày càng gay gắt không chỉ giữa các DN xi măng trong nước với nhau mà cả với các đối tác nước ngoài. Điều này đặt ra nhu cầu ứng dụng ERP không chỉ tại mỗi công ty xi măng mà trong toàn bộ tổng công ty. Các công ty xi măng cần công cụ để quản lý nội bộ, tự động hóa trong nhà máy. Còn đối với một tổ chức gồm nhiều đơn vị sản xuất như VICEM, việc ứng dụng các giải pháp quản trị DN tổng thể – ERP sẽ giúp các DN tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ tài nguyên (sản xuất, tài chính, vật tư, bán hàng…)

ERP phục vụ đổi mới

Dưới sự dẫn dắt của TGĐ Nguyễn Ngọc Anh, người đã từng sử dụng cả 2 hệ thống ERP của SAP và Oracle, VICEM quyết định đầu tư hệ thống ERP của Oracle. Được biết, dự án triển khai ERP tại VICEM sẽ bắt đầu từ tháng 10/2008 và sẽ kết thúc vào cuối năm 2013. Ông Anh chia sẻ “DN phải tự cứu mình”.

Sở dĩ VICEM quyết định triển khai ERP tại hầu hết các công ty thành viên là để tránh việc đầu tư manh mún, chuẩn hóa quy trình để có thể chia sẻ tài nguyên (các thông tin về sản xuất, tài chính, vật tư, bán hàng…), trao đổi thông tin từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn, kịp thời. Đối với nhà máy xi măng, tài sản quan trọng nhất là thiết bị. Nếu có sự cố, công ty sẽ phải ngừng lò và chờ nhà cung cấp nước ngoài tới khắc phục. Với sản lượng như hiện nay, việc ngừng lò sẽ gây thiệt hại ước chừng 1 tỷ đồng/ngày. Trong khi đó, nếu dùng ERP, có thể sử dụng ngay thiết bị thay thế từ các công ty thành viên.

Cũng theo ông Anh, sở dĩ VICEM chọn giải pháp ERP của Oracle vì “Giải pháp có khả năng giúp tổng công ty đạt được 3 mục tiêu: xây dựng được hạ tầng, nền tảng về CNTT để phát triển tiếp sau này; Tối ưu hóa sản xuất và phân phối giúp tăng khả năng cạnh tranh; Cung cấp công cụ để quản lý nội bộ, tự động hóa trong nhà máy nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi tin tưởng vào nhân lực của Pythis, đơn vị trực tiếp triển khai ERP tại VICEM bởi đội ngũ nòng cốt của Pythis đều là những người xuất thân từ Oracle, họ hiểu và đã có nhiều kinh nghiệm khi triển khai sản phẩm này.”

Động lực, niềm tin và sự quyết tâm đã có. Nhưng chưa đủ để triển khai thành công một dự án ERP, nhất là với quy mô toàn tổng công ty như VICEM. Theo ông Dương Mạnh Cường, phó TGĐ Pythis thì rất nhiều dự án triển khai ERP bị thất bại do nguyên nhân từ phía khách hàng, mà chủ yếu là vấn đề con người như: nhân viên không hiểu về ích lợi của ERP và không hợp tác, thiếu nhân viên CNTT, nhân viên CNTT nghỉ giữa chừng… Từ những kinh nghiệm đó, Pythis đã tư vấn để VICEM thành lập một ban chỉ đạo trong đó có một phó TGĐ phụ trách các vấn đề liên quan, thành lập phòng CNTT tại các công ty thành viên, đào tạo cho cán bộ CNTT về giải pháp, biên soạn chính sách cho các nhân sự tham gia trong đó có cam kết tham gia lâu dài để tránh tình trạng nhân viên bỏ dở giữa chừng vì làm ERP rất cực nhọc. Hy vọng, với những chuẩn bị kỹ lưỡng, dự án triển khai ERP tại VICEM sẽ đạt được những mục tiêu mà ban lãnh đạo VICEM đề ra.

Comments

comments

Comment