Không riêng ngành nghề nào, bất kỳ ai khi đi làm cũng phải được học về các thao tác, quy trình lao động một cách cẩn thận. Các hoạt động của người đi làm bị chi phối bởi luật lao động, hợp đồng lao động và một số văn bản mang tính nội bộ trong từng doanh nghiệp (DN) như nội quy, bản mô tả công việc (thường đi kèm hợp đồng lao động), sổ tay nhân viên…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn người lao động Việt Nam (VN) rất ít quan tâm đến các văn bản nói trên, thậm chí không cần xem qua nội dung của hợp đồng lao động. Do vậy, nhiều người đã vô tình vi phạm luật lao động. Trong ngành CNTT, nhiều người lao động còn có những “ngộ nhận” về nghề nghiệp của mình. Chẳng hạn, một số lập trình viên cho rằng công việc viết phần mềm (PM) cần sự sáng tạo, do đó anh ta cần môi trường làm việc thoải mái, không gò bó, như thế mới có cơ hội cho sự sáng tạo. Và anh ta tự cho mình quyền làm việc tự do, lúc thích thì làm, lúc không thích thì nghỉ. Có thể cuối cùng anh ta cũng cho ra đời một sản phẩm PM, nhưng với thời gian kéo dài. Dù vậy, anh ta vẫn vỗ ngực mình là người làm việc sáng tạo và đòi hỏi được nâng lương. Trong khi đó, một lập trình viên (người Việt) ở Mỹ cho biết anh ta hầu như không có thời gian để nghỉ, mặc dù vẫn phải đảm bảo sự sáng tạo. Và anh này thừa nhận mình không bao giờ có được mức lương cao như những bạn đồng nghiệp nước ngoài, bởi họ làm việc còn miệt mài hơn anh. Như vậy, để đánh giá một người lao động, trước hết, người sử dụng lao động phải dựa trên một mặt bằng chung là thời gian lao động để đánh giá hiệu quả lao động. Đó là nói về thái độ làm việc.

Về ý thức nghề nghiệp, lẽ dĩ nhiên, một người viết PM thẻ thông minh cho ngân hàng không được phép tiết lộ nội dung công việc mà anh ta đã làm bởi nó có thể gây nguy hại cho toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng như cho xã hội. Thậm chí, việc lưu giữ các tài liệu liên quan cũng không được phép. Nhưng trên thực tế, khá nhiều công ty PM đã được lập nên bởi các nhân viên cũ của một công ty khác. Những nhân viên này kinh doanh trên chính sản phẩm mà họ đã tham gia xây dựng khi còn ở công ty cũ. Chỉ khi sự việc xảy ra, chủ công ty cũ mới khắc phục bằng cách bổ sung vào hợp đồng lao động điều khoản: sau 1 năm rời công ty, người lao động không được ra một sản phẩm tương tự. Điều khoản này chỉ áp dụng được ở một số vị trí, chẳng hạn kỹ sư lập trình. Như vậy, với hầu hết các vị trí làm việc, có phải khi rời công ty nghĩa là họ không còn liên quan đến công ty cũ? Chẳng hạn khi khách hàng của công ty cũ cứ gọi điện cho đúng nhân viên từng đến bảo hành cho họ để yêu cầu anh ta đến sửa thiết bị trong khi anh ta đã chuyển sang công ty mới thì thế nào? Với một nhân viên bảo hành có trách nhiệm, anh ta sẽ giải thích cho khách hàng hiểu rằng anh ta đã chuyển công ty và giúp khách hàng liên lạc với công ty cũ. Cũng có thể anh ta giúp công ty cũ đến bảo trì chiếc máy đó vì anh ta đã biết rõ tình trạng của chiếc máy đó. Nhưng anh ta cũng có thể chỉ cần nói với khách hàng rằng anh ta không còn làm ở đó nữa. Chẳng có gì ràng buộc một nhân viên phải cư xử tốt với khách hàng của công ty cũ ngoài lương tâm và đạo đức nghề nghiệp.

Khi đội ngũ nhân viên lao động có đạo đức nghề nghiệp, điều đó mang lại lợi ích cho cả cộng đồng DN. Đạo đức không được giảng dạy, thực hiện, hậu quả để lại về sau là khó tránh khỏi. Nhiều ngành nghề ở nước ta đã xây dựng được các quy chuẩn đạo đức của người lao động: chẳng hạn như nghề y, nghề giáo, nghề luật… CNTT tuy là một ngành mới nhưng cũng đã ra đời một số hiệp hội ngành nghề như hội Tin Học VN, hiệp hội DN PM, hiệp hội An Toàn Thông Tin, hiệp hội DN Điện Tử. Theo tôi, các hiệp hội này nên ngồi lại với nhau để xây dựng một văn bản quy định đạo đức nghề CNTT. Các hiệp hội nghề càng hẹp, nội dung các quy chuẩn đạo đức được xây dựng càng chi tiết, càng bám sát thực tiễn hành nghề.

Comments

comments

Comment