Hầu hết các tập đoàn bán lẻ trong nước như Co.op Mart, City Mart, Maxi Mark đều chạy đôn đáo tìm mặt bằng mở rộng mạng lưới kinh doanh trước giờ G, khi thị trường bán lẻ phải mở cửa hoàn toàn theo cam kết WTO. Thị trường địa ốc suy giảm khiến mục tiêu này dễ thực hiện hơn trước.

Kể từ ngày 1/1/2009, mọi hạn chế đối với các công ty phân phối, bán lẻ 100% vốn nước ngoài sẽ được dỡ bỏ. Trong bối cảnh hệ thống phân phối Việt Nam còn nhiều hạn chế, sự xuất hiện của các đối thủ đến từ nước ngoài sẽ giúp thị trường phong phú hơn, chuyên nghiệp hơn và người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội lựa chọn. Nhưng với các nhà bán lẻ nội địa, sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Thuê địa điểm kinh doanh là một điểm yếu của các nhà bán lẻ nước ngoài. Họ không có nhiều lợi thế để lựa chọn mặt bằng có vị trí đẹp, diện tích phù hợp và giá cả hợp lý. Đây chính là cơ hội để các tập đoàn bán lẻ có thể khẳng định vị trí của mình.

Là một trong những đơn vị có sự chuẩn bị “dài hơi” cho cuộc chiến giành thị phần bán lẻ trước thềm mở cửa thị trường bán lẻ, Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP HCM (Sài Gòn Co.op) chuẩn bị mở thêm 4 siêu thị Co.op Mart trong tháng 12 tới, nâng tổng số siêu thị trong hệ thống lên 33. Trước Tết Nguyên Đán, Sài Gòn Co.op dự kiến mở thêm 2 siêu thị tại quận 12 và Thủ Đức.

Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op, bà Nguyễn Thị Hạnh tiết lộ: “Từ nay đến năm 2015 hệ thống Co.op Mart sẽ đạt số lượng 100 siêu thị bán lẻ. Ngay từ 5 năm trước chúng tôi đã chuẩn bị cho kế hoạch này”.

Bà Hạnh cho biết, hiện nay Sài Gòn Co.op đang tích cực đàm phán để chuẩn bị mặt bằng, vì thị trường địa ốc suy giảm, việc thỏa thuận trở nên “dễ thở” hơn. Lãnh đạo Sài Gòn Co.op còn nhận định, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến sức mua trên thị trường, làm đảo lộn kế hoạch bành trướng của các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh trên toàn cầu. Vì vậy, đây là thời điểm thuận lợi cho các tập đoàn bán lẻ trong nước có tài chính ổn định muốn mở rộng mạng lưới.

Mặt tiền siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh, quận 1, TP HCM. Ảnh: Kiên Cường.

Cũng đang gấp rút tìm mặt bằng, Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Maximark Cộng Hòa, bà Nguyễn Ánh Hồng nói với VnExpress.net: “Trước đây do giá cả quá cao nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc đàm phán, thương thảo hợp đồng thuê mặt bằng. Tuy nhiên ngay cả khi thị trường địa ốc suy giảm thì thủ tục rườm rà cũng là một trở ngại rất lớn”.

Là doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ tư nhân, Maxi Mark gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng để mở rộng mạng lưới. Hiện nay Maxi Mark chỉ có hai siêu thị tại TP HCM, đó là con số còn rất khiêm tốn và cần mở rộng thêm. Lãnh đạo siêu thị này nhận định hiện nay giá bất động sản đang giảm, là thời điểm thuận lợi để tăng cường thương lượng thuê, mua đất.

“Nếu tìm được mặt bằng bán lẻ có vị trí gần khu dân cư thì chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng siêu thị ngay tức khắc vì sắp tới đây sức cạnh tranh của thị trường bán lẻ tại TP HCM sẽ có phần gay gắt hơn trước”, bà Hồng nói.

Trong khi đó, tuy đã phát triển 20 chi nhánh thuộc hệ thống siêu thị City Mart, Tổng giám đốc siêu thị City Mart, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa vẫn lo ngại hiện tượng phá giá mặt bằng khi có nhiều đối thủ mới nhảy vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Bà Hoa dè dặt cho biết, khi các tập đoàn bán lẻ mới xuất hiện, điều họ cần trước tiên là đất. Vì vậy, cuộc chạy đua giành mặt bằng là rất khó tránh khỏi. “Chừng nào nắm giấy phép trong tay thì mới vững lòng công bố khai trương chi nhánh mới”, bà Hoa cho hay.

Tuy nhiên, lãnh đạo siêu thị City Mart phân tích rằng, khó khăn chung của giới kinh doanh bán lẻ hiện nay không chỉ có chuyện lo mặt bằng mà còn phải cân đối thu chi sao cho hiệu quả. Bởi lẽ, trong bối cảnh chi phí đầu vào cao, phải tăng chất lượng dịch vụ nhưng cạnh tranh về giá rất khốc liệt thì mỗi doanh nghiệp phải đối đầu với việc khó tăng lợi nhuận. Bà Hoa cho rằng, cuộc đọ sức khi mở cửa thị trường bán lẻ là chặng đua đòi hỏi sức bền chứ không thể “ăn sổi ở thì” mà bách chiến bách thắng.

Phó giám đốc bộ phận dịch vụ tư vấn và thẩm định giá Công ty CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam , ông Jeremy King dự đoán rằng, giá thuê mặt bằng bán lẻ sẽ tỷ lệ thuận với khả năng chi tiêu của khách hàng. Nếu chi tiêu giảm thì giá thuê sẽ giảm theo. Ngược lại, nếu sức mua khởi sắc dần thì giá thuê sẽ nhích lên.

Dự báo ít nhất đầu năm 2010 thị trường địa ốc mới có những tín hiệu lạc quan, ông Jeremy cho rằng, những tháng cuối năm 2008, khi giá thuê – mua bất động sản có chiều hướng suy giảm, là thời điểm nước rút tìm kiếm mặt bằng của nhiều tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước.

Thống kê của CBRE, thị trường văn phòng cho thuê đã giảm giá 14-22% so với quý 1 năm 2008. Trong đó giá thuê các khu trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ cũng sụt giảm. Hiện nay khu thương mại có vị trí đắc địa ngay trung tâm giá thuê cao nhất là 250 USD mỗi m2 một tháng. Các vị trí từ khu trung tâm đổ ra xa hơn có giá thuê trung bình 85 – 40 USD mỗi m2 một tháng. TP HCM có 15 trung tâm thương mại cung cấp cho thị trường 150.000 m2 sàn, hiệu suất cho thuê trung bình 94%.

Vũ Lê

Comments

comments

Comment